Lượt xem: 370

Nuôi ba ba dưới tác động của Covid-19

Từ nhiều năm nay, mô hình nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19 nên tình hình tiêu thụ ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản cũng bị ảnh hưởng, nhưng nông dân đã nỗ lực, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

    Sau nhiều năm học hỏi kỹ thuật ở các trang trại nuôi ba ba ở các tỉnh lân cận, hơn 10 năm nay, chị Trần Minh Hồng ở ấp Phương Hòa 1, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú đã về địa phương đầu tư xây dựng hệ thống trại khép kín, bao gồm cả khu vực ươm giống ba ba và nuôi ba ba thương phẩm trên diện tích gần 4.000 m2 với khoảng 4.000 con ba ba giống và trên 5.000 con bố mẹ. Bằng niềm đam mê, sự quyết tâm cùng với những sáng tạo ứng dụng khoa học kỹ thuật, chị đã gây dựng được uy tín của trại ba ba giống Kim Hồng từ nhiều năm nay, với số lượng xuất ra thị trường hàng chục ngàn con mỗi năm. Theo chị Hồng, khoảng 2 năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên thị trường đầu ra của ba ba cũng bị ảnh hưởng, số lượng xuất ra giảm khoảng 30%, tuy nhiên chị cũng không quá lo lắng vì ba ba có thể kéo dài thời gian nuôi, trọng lượng càng cao, càng có thêm giá trị.


Tham quan trại nuôi ba ba của nông dân. Ảnh Đoan Trang

 

    Chị Hồng chia sẻ: "Nuôi ba ba đã giúp tôi phát triển kinh tế gia đình từ nhiều năm nay, mô hình này khá hiệu quả. Nhưng nhìn chung 2 năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên không có xuất đi nhiều được, nên cũng để nuôi hơi lâu, nhưng mà loài này dễ nuôi để lâu thì có giá hơn thôi".

    Theo người nuôi ba ba, thời gian qua do thực hiện giãn cách xã hội, nên nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa, việc xuất khẩu ba ba cũng gặp khó khăn. Để đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hộ nuôi ba ba đã chuyển sang chế độ nuôi cầm chừng. Nếu không bán được, các hộ có vẫn có thể kéo dài thời gian nuôi, giá trị sẽ cao hơn nhiều; tuy nhiên, thách thức hiện nay là giá nuôi ba ba cũng giảm hơn trước đây khá nhiều. Ông Trần Hòa Vân - chủ trại nuôi ba ba Hai Vân cho biết: "Giá ba ba loại 1 trước đây bình quân  từ 400.000 – 450.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg. Tôi chỉ mong sao Covid-19 qua nhanh, có thể xuất đi nhiều nơi, để lợi nhuận nhiều hơn".

    Để duy trì và thành công với mô hình nuôi ba ba, nông dân đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo năng suất, hạn chế thất thoát trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi ba ba đã tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau để việc sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

    Đồng chí Lý Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Tú cho biết: "Từ nhiều năm nay, mô hình nuôi ba ba đã giúp cho nhiều nông hộ ở huyện Mỹ Tú nâng cao thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, những hộ nuôi ba ba đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, thông tin thị trường để việc nuôi đạt hiệu quả hơn. Dưới tác động của Covid-19 những hộ nuôi này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhất là thị trường tiêu thụ. Nhưng hiện nay, các hộ vẫn cố gắng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này".

    Ba ba loài động vật dễ nuôi, ít bị bệnh, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, thức ăn cho ba ba rất đa dạng và dễ tìm như ốc, cá... nên người nuôi không quá lo lắng. Việc cần nhất hiện nay là người nuôi chủ động nguồn thức ăn cần thiết cho ba ba, để kéo dài thời gian nuôi và chờ cơ hội xuất bán hợp lý.

Đoan Trang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 45
  • Hôm nay: 8312
  • Trong tuần: 79,019
  • Tất cả: 11,802,339